Thứ Sáu, 26 tháng 12, 2014

Các lưu ý căn bản cho người bắt đầu tập đàn

Để việc học đàn và tập đàn trở nên dễ dàng, mình liệt kê một số điều căn bản như sau:
1) Chọn một cây đàn tốt: thông thường mọi người thường chọn những cây đàn giá rẻ khi bắt đầu tập chơi đàn, trước đây mình cũng vậy :). Nhưng đàn rẻ thì âm thanh thường không hay, lại bị sai lệch cao độ của nốt, đàn sử dụng một thời gian dễ bị cong cần.. ảnh hưởng đến chất lượng âm thanh, làm các bạn bị "sai tai" do nghe những note sai (như phát âm tiếng Anh sai). Vì vậy, đầu tiên là phải chọn một cây đàn tốt.
2) Lên dây đàn đúng, cái này thì gần như là bắt buộc rồi. Các bạn tham khảo bài viết lên dây đàn của mình nhé.
3) Tư thế ngồi đàn, tư thế tay trái, tư thế tay phải, cách nhấn ngón tay vào phím đàn, cách để móng tay... đều rất quan trọng, ảnh hưởng đến tốc độ ngón tay, sự tiến bộ qua từng ngày, hơn nữa nếu các bạn bị sai một trong các điều trên, lâu ngày sẽ hình thành một thói quen sai, và việc sửa sai thường khó hơn và lâu hơn rất nhiều so với việc các bạn tập đúng ngay từ đầu. Rất nhiều người sau một thời gian tập đàn, phải tập lại căn bản vì muốn phát triển khả năng cao hơn nữa nhưng lại bị hạn chế do sai tư thế, cách nhấn phím đàn...
4) Bảo quản đàn thật tốt.
5) Các bạn tham khảo thêm bài viết "làm thế nào để việc học đàn trở nên đơn giản" cho một số tip khác http://guitar-nguyendoan.blogspot.com/2014/04/ai-khi-en-voi-mot-loai-nhac-cu-nao-o.html 


Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

Thành thạo một loại nhạc cụ không khó, chỉ cần bạn tập đúng phương pháp :)

Hy vọng các bạn sẽ tìm thấy những điều bổ ích trong blog này, đồng thời giúp việc học và trở nên thành thạo loại nhạc cụ này (ukulele hay guitar) dễ dàng hơn rất nhiều.

Bài tập luyện ngón tay phải

Mình sưu tầm một số bài tập để giúp các bạn luyện ngón cho tay phải ngày càng tốt hơn. Ngón tay phải càng linh hoạt, các bạn sẽ tiếp thu các kỹ thuật mới nhanh hơn, biểu diễn cũng sẽ sinh động hơn, quan trọng nhất là tập luyện cơ bản nhiều sẽ giúp việc học đàn trở nên dễ dàng hơn, và hiệu quả hơn rất nhiều. Kinh nghiệm của mình là tập chậm, chắc, mỗi ngày tăng tempo thêm 2bpm, sau 50 ngày các bạn sẽ double tốc độ của mình :).

An excellence exercise from Fujimoto - HawaiiMusicSupply to improve right hand fingerpicking.

Lên dây đàn Ukulele

Hiện nay việc canh chỉnh dây đàn Ukulele cho đúng trở nên đơn giản hơn bao giờ hết với sự trợ giúp của các phần mềm tích hợp trong điện thoại (iOS, Android, Window,...).
Cao độ của dây đàn phân loại theo từng loại đàn được trình bày như bảng sau:

Tùy theo loại đàn Ukulele của mình mà các bạn lựa chọn "tiêu chuẩn lên dây" cho phù hợp, cách phổ biến nhất hiện nay vẫn là G4-C4-E4-A4 (hay được viết ngắn gon thành G-C-E-A).
Một cây đàn được lên dây "chuẩn" sẽ có vị trí chỉnh dây tương ứng như hình dưới đây.
Các bạn có thể thấy được cách lên dây đúng tương ứng như hình dưới đây:
- Dây 1: A (A4)
- Dây 2: E (E4)
- Dây 3: C (C4)
- Dây 4: G (G4)
Như vậy các bạn đã biêt được mục tiêu để lên dây đúng, phần việc còn lại là chỉnh dây theo phần mềm mà thôi.

Các bạn dùng tay phải đánh từng dây như hình sau để tạo ra âm thanh liên tục trên một dây:

Sau đó các bạn canh sao cho âm thanh về đúng với tiêu chuẩn đã nắm được ở trên, ví dụ như chỉnh dây 3 (C4) về đúng với chuẩn, các bạn sẽ thấy trên màn hình máy tính, điện thoại như sau:
- Cao độ ở nốt C4 (nếu là B3 thì phải tăng lên, còn C#4 thì phải giảm xuống).
- Tần số chính xác (~ 260Hz), kim đồng hồ hiện màu xanh lá cây
- Các dây còn lại các bạn chỉnh tương tự.

Hợp âm trên đàn Ukulele



Tư thế cầm đàn Ukulele

Một trong những điều quan trọng nhất khi bạn làm quen với cây đàn ukulele đó thế cầm đàn. thế của bạn ảnh hưởng rất lớn đến vị trí, sự do, linh hoạt của các ngón tay (trái phải), giúp bạn thể hiện các bài nhạc một cách hoàn hảo nhất. thế bạn hãy rèn luyện thế cầm đàn của mình thật kỹ khi bắt đầu.
Để thế cầm đàn tốt, bạn hãy ghi nhớ quy tắc 3 điểm tựa.
Mặt sau của đàn tựa vào người bạn.
Cẳng tay giữ mặt trước của cây đàn sao cho các ngón tay đặt vừa vặn trên dây theo tứ tự ngón P (dây G), ngón I (dây C), ngón M (dây E), ngón A (dây A). 
Mặt dưới của cây đàn nằm trên đùi bạn.

Như vậy các bạn đã tạo ra 3 điểm tựa vững chắc như kiềng 3 chân rồi.

Sau khi tạo được 3 điểm tựa, bạn xem giống như hình bên dưới không. Một lưu ý nhỏ các bạn phải giữ cho cổ tay của mình luôn thẳng, không bị cong, gập.

Thứ Tư, 24 tháng 12, 2014

Giới thiệu các loại đàn Ukulele

Đàn Ukulele hay còn được gọi tắt là Uke là một loại đàn guitar nhỏ, được chế tạo ở Haiwaii từ thế kỷ thứ 19. Ukulele thông thường được sử dụng trong cách chơi đệm hát, hòa tấu nhưng bên cạnh đó cũng có những tác phẩm độc tấu rất xuất sắc và cũng đòi hỏi kỹ thuật khá điêu luyện. Cao độ, đặc trưng âm thanh cũng như độ vang của đàn ukulele phụ thuộc vào kích thước và cấu tạo của nó. Điều đặc biệt là Ukulele chỉ có 4 dây, điều này khiến cho việc bấm hợp âm cũng như việc thay đổi, áp dụng nhiều tư thế hợp âm khác nhau trên cây đàn được dễ dàng hơn, từ đó người chơi đàn Ukulele có thể sáng tạo ra nhiều cách thể hiện độc đáo và riêng biệt cho một bài nhạc cụ thể nào đó. Hơn nữa, việc Ukulele chỉ có 4 dây khiến mức độ phức tạp và điêu luyện của các kỹ thuật (cả tay trái và tay phải) được đơn giản hóa rất nhiều, do đó, người học đàn Ukulele có thể tập cũng như áp dụng một số kỹ thuật khó một cách đơn giản mà nếu để thể hiện trên guitar phải mất nhiều thời gian và công sức tập luyện hơn, mà có khi luyện còn không thành. Đàn ukulele được chia làm 4 loại thông thường theo thứ tự kích thước tăng dần, chiều dài mỗi loại thường cách nhau khoảng 2.5inches là soprano, concert, tenor, và baritone, cộng thêm một loại đặc biệt.

- Soprano là loại Ukulele phổ biến nhất với kích thước dài khoảng 53cm, thường có 12 đến 14 phím với 4 dây Sol, Do, Mi ,La. hoặc La, Re, Fa#, Si.
Soprano Ukulele
- Concert là loại Ukulele to hơn một chút với độ dài 58cm, thường có 14 đến 17 phím và cũng được lên dây Sol, Do, Mi, La hoặc La, Re, Fa#, Si.. Tuy nhiên, Concert có thân đàn to hơn nên âm thanh ấm hơn so với Soprano, cần đàn rộng bản nên cũng dễ cầm và chơi hơn.

Concert Ukulele

- Tenor là lựa chọn thích hợp nhất để chơi độc tấu. Với độ dài khoảng 66cm, gồm 17 đến 19 phím và cũng được lên đầy đủ các dây Sol, Do, Mi, La hoặc La, Re, Fa#, Si..
Tenor Ukulele
- Baritone là loại Ukulele đầy đặn nhất với chiều dài 76cm, thường có từ 19 đến 21 phím, được lên 4 dây như đàn Guitar bào gồm Re, Sol, Si, Mi.
Baritone Ukulele
- Ngoài ra, Còn một loại ukulele đặc biệt có tên là U-Bass. Nó được lên dây đúng theo các loại đàn bass truyền thống : Mi La Re Sol (EADG). Các dây đàn làm bằng vật liệu cao su dầy, cho âm thanh trầm, ấm rất riêng cho U-Bass. Nó có loại không phím và có phím.
U-Bass
Ukulele là một loại đàn dễ chơi, dễ tập, nhỏ gọn nên dễ dàng mang theo bên người, loại soprano có thể bỏ vừa trong cốp xe nên rất dễ dàng và thuận tiện cho việc mang đi gặp gỡ bạn bè hay đi chơi xa. Hơn nữa hiện nay, việc tìm một cây đàn Ukulele không còn khó khăn như hồi mình mới bắt đầu chơi loại đàn này (khoảng năm 2010), đi rất nhiều tiệm mới may mắn kiếm được một tiệm bán, và cũng may mắn tìm được một cây đàn tốt.